0 lượt xem
Cơ chế này có tên gọi nội bộ là “Oops” (viết tắt của Online Operation – Hoạt động trực tuyến), đã tồn tại ngay từ những năm đầu của Facebook như một công cụ để nhân viên trợ giúp người dùng quên mật khẩu hoặc email hoặc bị tin tặc chiếm đoạt tài khoản.
“Oops” thường được sử dụng hạn chế, chủ yếu cho các trường hợp đặc biệt như bạn bè, gia đình, đối tác kinh doanh và nhân vật công chúng, nhưng cơ chế này đã bị lạm dụng khi số lượng nhân viên Meta tăng lên.
Meta nói rằng, trong một số trường hợp, các nhân viên đã nhận hàng nghìn USD từ hacker bên ngoài hoặc 1 bên thứ ba, để truy cập trái phép vào tài khoản người dùng.
“Tội phạm mạng thường bán dịch vụ lừa đảo nhắm vào các nền tảng trực tuyến, bao gồm cả nền tảng của chúng tôi và chúng thường xuyên thay đổi chiến thuật để né tránh phương pháp phát hiện thường được sử dụng”, Andy Stone, phát ngôn viên của Meta cho biết, nhấn mạnh công ty “sẽ tiếp tục có biện pháp thích hợp để xử lý những cá nhân tham gia vào loại hình hoạt động này”.
Sự việc cho thấy vấn đề rộng lớn và phức tạp mà Meta phải đối mặt, khi đang có hơn 3 tỷ người dùng hoạt động trên các nền tảng của mình mà không có dịch vụ khách hàng, chức năng mà công ty này cam kết xây dựng trong thời gian tới.
Đại diện Meta cũng khẳng định việc mua bán tài khoản hoặc trả tiền cho dịch vụ khôi phục tài khoản là vi phạm quy định dịch vụ của nền tảng mạng xã hội này.
Theo Thế Vinh (Ictnews.vn)
Bình luận trên Facebook